Nấm Sò Với Đặc Điểm Tác Dụng Và Cách Dùng Nấm Sò Ngon Bổ Dưỡng

Nấm sò là gì? Đặc điểm tác dụng của nấm sò. Cách dùng nấm sò chế biến nấu nấm sò ngon tránh tác dụng phụ. Hình ảnh của nấm sò. Giá nấm sò bao nhiêu tiền 1kg?

Nấm sò (nấm bào ngư) là một loại nấm thuộc họ Pleurotaceae. Nấm sò được trồng đầu tiên ở Đức vào thế chiến thứ nhất, mãi sau mới trồng đại trà ra nhiều quốc gia khác.

Hiện nay, ở Việt Nam nấm sò được trồng rất phổ biến, với nhiều tên gọi khác nhau như: Nấm xòe, nấm tai lệch, nấm dai, nấm bào ngư...

Có 3 loại nấm sò khác nhau là sò trắng, sò nâu và sò tím. Các loại nấm sò chỉ khác nhau về màu sắc, còn giá trị dược liệu và dinh dưỡng gần như bằng nhau, đều có lợi cho sức khỏe con người. Hiện nay cả 3 loại nấm này đều được nuôi trồng và sử dụng rộng rãi.

Đặc điểm của nấm sò

Nấm bào ngư khi trưởng thành rất dễ nhận dạng. Phần tai nấm thường có dạng phễu lệch, xòe rộng từ 3 - 5cm, dày 3 - 5mm. Chân nấm cao 3 - 5cm, đường kính khoảng 1 - 2cm.

Nấm sò còn được chia làm hai nhóm: Nhóm chịu lạnh hình thành quả thể ở nhiệt độ từ 10 - 20 độ C và nhóm ưa nhiệt phát triển trong khoảng 25 - 30 độ C. Nấm sò thường mọc thành những cụm, từ 10 - 15 cây chung một gốc.

Nấm bào ngư có hệ lên men phân giải rất mạnh, giúp tổng hợp nhiều chất dinh dưỡng khác nhau (đường, bột, chất xơ...). Cấu trúc của nấm dạng sợi tơ mảnh, luồn sâu vào trong thân cây, mùn cưa, gỗ... để hấp thụ thức ăn. Nấm thường phát triển nhanh và có dinh dưỡng cao nếu được cung cấp những dưỡng chất cần thiết trong quá trình sống.

Ngoài những thành phần trên, nấm sò cần được cung cấp một lượng nước lớn lên đến 80%. Nấm không được cung cấp nước đầy đủ sẽ dẫn đến còi cọc, bị dai và cân nặng không đạt.

Nấm sò là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, bao gồm những dưỡng chất sau:

  • Protein: Chiếm tới 33 - 43%, có thể thay thế được lượng đạm từ thịt cá.
  • Vitamin B2, B12, B6, C...
  • Các axit amin tốt, có nguồn gốc từ thực vật.
  • Hàm lượng chất xơ khoảng 35%.

Chứa lượng protein cao, nấm bào ngư được ví như "thịt chay" và được sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày. Những chất có trong nấm được cơ thể chuyển hóa thành các năng lượng mới rất dễ dàng.

Nấm bào ngư phù hợp với những bệnh nhân bị gút, tiểu đường, mỡ máu, suy nhược cơ thể hoặc người ăn chay.

Xem them: Thông tin khoa học về nấm sò hay nấm Pleurotus ostreatus tại ScienceDirect và Mushroomexpert.

Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia Đông y và Tây y, trong nấm sò chứa nhiều chất có giá trị y dược cao. Bao gồm những chất sau đây:

  • Protid: Chiếm khoảng 4% trong nấm, chất này rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể (đặc biệt là khoáng chất và vitamin).
  • Gluxit: Nấm bào ngư có 3,4% gluxit, chất này giúp giảm quá trình phân hủy protein và cung cấp một nguồn năng lượng quan trọng cho người dùng.
  • Vitamin C, vitamin PP có tác dụng thanh nhiệt, làm mát.
  • Axit folic: Giúp phòng ngừa các bệnh lý về thần kinh, đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai.
  • Các axit béo không no: Là chất béo trong thực vật, sử dụng nhiều không gây béo phì, giảm lượng cholesterol và điều hòa quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể.
  • Pleutorin: Có tác dụng rất tốt trong việc kháng khuẩn và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, giúp lưu thông máu hiệu quả.
  • Một số loại axit amin tốt như valin, glutamic, isoleucine...

Những giá trị dược tính của nấm bào ngư được y học đánh giá cao. Sử dụng nấm này hàng ngày giúp bạn đẩy lùi một số bệnh lý và sở hữu cơ thể khỏe mạnh.

Công dụng của nấm sò

Trong nấm sò chứa rất nhiều chất dinh dưỡng (đặc biệt là nấm sò màu xám), có tác dụng tuyệt vời trong kháng khuẩn và hỗ trợ bệnh nhân bị bệnh ung thư. Sử dụng nấm thường xuyên giúp làm chậm quá trình hình thành và phát triển của các tế bào ung thư.

Đối với bệnh nhân ung thư, nên sử dụng nấm sò 2 ngày 1 lần, mỗi lần dùng khoảng 150g. Có thể chế biến nấm thành món canh, súp, nấu cháo... hạn chế chiên, xào nấm vì khiến nấm ngấm nhiều dầu mỡ.

Các nhà nghiên cứu về dinh dưỡng đã chỉ ra: Nấm bào ngư có tác dụng giảm lượng đường và cholesterol trong máu tốt, đặc biệt ở người cao tuổi.

Đối với người muốn giảm lượng mỡ máu, nên sử dụng loại nấm này từ 3 - 6 lần 1 tuần. Khi dùng không nên chế biến nấm thành những món chiên, rán hoặc nhiều dầu mỡ.


Trong nấm sò có hàm lượng chất dinh dưỡng tốt, được các chuyên gia đánh giá cao. Đối với những người đang bị suy nhược cơ thể, sử dụng nấm sò sẽ giúp cải thiện tình trạng này.

Đặc biệt trong nấm sò xám chứa rất nhiều chất đạm, các loại vitamin, khoáng chất và đường bột rất phù hợp với những người gầy, ốm và có thể trạng cơ thể không tốt. Sử dụng nấm thường xuyên giúp bổ sung một nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể.

Nấm bào ngư màu xám được sử dụng nhiều trong đông y để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Đối với bệnh nhân tiểu đường thì không dùng nấm này để nấu ăn hàng ngày, mà sử dụng nấm khô để sắc nước uống.

Bài dược đơn giản nhất cho bệnh tiểu đường với nấm sò xám là sử dụng 100 - 200g nấm khô, sắc với 2 lít nước uống hàng ngày.

Trong nấm bào ngư có chứa rất nhiều chất oxy hóa, vì vậy sử dụng sản phẩm giúp làm chậm quá trình oxy hóa trong cơ thể. Bạn nên sử dụng nấm 5 lần trong một tuần để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Nấm vốn là một loại thực phẩm giàu chất xơ, tạo cảm giác no lâu cho người dùng. Sử dụng nấm thường xuyên sẽ giúp bạn không còn cảm giác thèm ăn, gia tăng lượng chất xơ và làm giảm chất béo trong cơ thể.

Nếu bạn muốn ăn nấm bào ngư để giảm béo thì có thể sử dụng vào bữa ăn hàng ngày. Nên làm các món canh hoặc xào khi dùng, tránh chế biến nấm thành các món nhiều dầu mỡ.

Ngoài những công dụng tuyệt vời trên, loại nấm này còn hỗ trợ điều trị một vài căn bệnh như: Điều hòa huyết áp, bệnh gút, các bệnh về đường ruột.

Nấm bào ngư mang lại rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe của chúng ta. Vì vậy, hiện nay loại nấm này đang được sử dụng tại rất nhiều nơi trên thế giới.

Đối với nấm sò tươi:

  • Chọn loại nấm bào ngư có màu sắc tươi mới, phần mũ và tai nấm không bị dập nát, có mùi thơm tự nhiên.
  • Chọn những cây nấm còn nguyên cả cụm, có lớp tơ mỏng ở phía trên chóp nấm. Không chọn mua những cây nấm có phần chóp bị nhăn hoặc bắt đầu thâm đen.
  • Khi sờ vào cây nấm bào ngư tươi phải thấy hơi xốp và khô, nếu thấy nấm mềm và ướt thì là loại để lâu và đã bị hỏng.
  • Chọn nấm loại vừa phải, không quá to hoặc quá nhỏ, thân nấm mập, ăn sẽ ngọt và ngon hơn. Cuống nấm phải rắn chắc, màu sắc đồng đều với nhau.
  • Tai nấm không bị rách, cả cụm mọc đều, sờ vào không thấy nhớt.

Đối với nấm khô:

  • Chọn loại nấm sò nguyên cây, màu sắc nâu nhạt, không bị gãy hoặc dập nát.
  • Chọn loại khô ráo, cầm nhẹ tay, hơi xốp và không có vết mốc trắng hoặc xanh.

Bảo quản nấm sò tươi:

  • Nấm sau khi thu hái nên sử dụng trong vòng 12 tiếng. Vì vậy, trước khi bảo quản nên cắt bỏ rễ và nhúng nấm vào nước sôi, sau đó rửa lại nấm bằng nước lạnh.
  • Bạn có thể cho nấm đã bỏ gốc vào chậu, sau đó đổ ngập nước và để vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản nấm khoảng 3 - 4 ngày.

Bảo quản nấm sò khô:

    Phơi hoặc sấy nấm thật khô, đến mức cao nhất, rồi cho nấm vào túi bóng kính buộc kín và để nơi khô ráo.

Với hai cách bảo quản và chọn nấm này, bạn có thể sử dụng những cây nấm bào ngư ngon và dinh dưỡng mỗi ngày.

Cách sử dụng nấm sò hàng ngày

Để chế biến nấm sò ngon và giữ được hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất, bạn nên làm theo một số gợi ý sau đây:

  • Tránh làm nấm bị dập, nát trong quá trình sơ chế, để nấm không bị ngấm nước và mất đi vị ngọt.
  • Phải cắt bỏ hoàn toàn phần gốc nấm trước khi sử dụng.
  • Trong nấm tươi chứa rất nhiều chất dễ gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, bạn nên nấu thật kỹ nấm trước khi dùng.
  • Nên rửa nấm bằng nước ấm, rồi rửa lại bằng nước lạnh. Như vậy nấm sẽ dai và giòn hơn khi ăn.

Nấm sò là một loại thực phẩm không quá đắt nên được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Loại nấm này có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như xào, nấu, chiên, rán, lẩu... rất ngon và bổ dưỡng.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • Nấm sò trắng hoặc tím: khoảng 500g
  • Sa tế
  • 2 quả ớt chuông
  • 3 nhánh xả
  • 1 củ hành tím
  • Muối, hạt nêm, tiêu...

Cách chế biến:

Bước 1: Nấm bỏ gốc rồi ngâm với nước muối và rửa sạch. Sau đó vớt nấm ra rổ để ráo nước. Lưu ý không rửa quá kỹ sẽ làm nấm bị nát.

Bước 2: Băm nhỏ sả, ớt và hành tím. Ớt chuông thái lát vừa ăn hoặc kiểu hạt lựu.

Bước 3: Cho chảo lên bếp với một chút dầu ăn rồi đun nóng. Cho sả, ớt và hành băm vào phi cho thơm rồi cho ớt chuông đã thái vào xào đều tay.

Bước 4: Khi ớt chuông gần chín, cho nấm vào xào cùng rồi nêm nếm gia vị vừa ăn. Xào nấm cho chín đều, rồi tắt bếp.

Bạn chỉ cần bày món ăn ra đĩa và rắc thêm chút tiêu, rau mùi lên trên cho thơm là đã có một món ngon với nấm sò.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • Nấm sò trắng hoặc xám 200g
  • 2 bìa đậu hũ non
  • Hành khô, hành lá, rau mùi
  • Muối, nước mắm, tiêu, đường và dầu hào

Cách chế biến:

Bước 1: Sơ chế nấm bằng cách bỏ gốc, ngâm qua nước muối loãng để nấm săn lại. Sau đó rửa sạch nấm với nước lạnh rồi xé nấm thành những sợi nhỏ, để ráo nước.

Bước 2: Đậu thái miếng vừa ăn rồi chiên vàng.

Bước 3: Hành lá và rau mùi rửa sạch, thái nhỏ. Hành khô bỏ vỏ rồi băm nhuyễn.

Bước 4: Cho dầu ăn vào chảo rồi đun nóng, phi hành khô đã băm cho thơm. Sau đó cho đậu đã chiên vàng vào đảo đều khoảng 4 phút.

Bước 5: Tiếp tục cho nấm vào chảo đảo đều tay với lửa lớn. Khi thấy nấm mềm thì nêm nếm gia vị vừa ăn. Cuối cùng cho thêm một chút dầu hào vào đảo thêm một chút rồi tắt bếp. Cho hành lá và rau mùi đã thái lên trên món ăn để tăng thêm phần hấp dẫn.

Ngoài những món ăn bổ dưỡng, bạn có thể làm trà nấm để sử dụng hàng ngày. Cách làm trà nấm như sau:

Chuẩn bị:
1kg nấm sò xám, bạn nên chọn loại nấm xám vì nó thơm và có giá trị dinh dưỡng cao hơn những loại còn lại.

Cách thực hiện:

Bước 1: Nấm sau khi mua về bạn bạn đem rửa sạch, bỏ gốc rồi ngâm sơ qua với nước muối khoảng 15 phút. Sau đó rửa sạch nấm với nước lạnh.

Bước 2: Sau khi sơ chế ta tiến hành phơi hoặc sấy nấm. Khi phơi nên lật đều các mặt để nấm khô đều, không bị ẩm mặt phía dưới.

Bước 3: Nấm phơi khoảng 4 - 5 nắng sẽ khô. Nấm phơi đạt chuẩn khi cầm nhẹ tay, khô ráo, giữ trên tay một lúc lâu không gây cảm giác ẩm ướt.

Bước 4: Mỗi ngày bạn lấy khoảng 10 - 15 tai nấm khô rửa sạch rồi cho vào nồi đun cùng 1,5 - 2 lít nước. Đun đến khi thấy nước ngả màu nâu, tai nấm nở hết và có mùi thơm của nấm là được. Bạn có thể để ở ngoài hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh để dùng hàng ngày.

Ngoài ra bạn có thể tìm mua nấm sò khô được bán sẵn trên thị trường về sắc nước uống. Nước nấm sò rất tốt cho những bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp hoặc người muốn giảm cân.

Giá nấm sò trên thị trường

Nấm bào ngư là một loại thực phẩm tốt, cách nuôi trồng lại dễ và thời gian thu hoạch ngắn. Bởi vậy giá thành loại thực phẩm này trên thị trường không cao như các loại nấm khác.

Hiện nay, nấm bào ngư đang được bán tại hệ thống siêu thị, các cửa hàng rau củ quả sạch với giá như sau:

  • Nấm sò trắng dao động trong khoảng 40.000 - 60.000 đồng/ 1kg.
  • Nấm sò xám dao động trong khoảng 60.000. - 80.000 đồng/ 1kg.
  • Nấm sò tím dao động trong khoảng 50.000 - 75.000 đồng/ 1 kg.
  • Giá nấm sò tại các chợ đầu mối dao động trong khoảng 30.000 - 50.000 đồng/ 1 kg.

Nếu vào dịp lễ tết thì giá thành của nấm bào ngư sẽ tăng thêm từ 10.000 - 20.000 đồng/ mỗi loại.

Để mua được sản phẩm nấm sò đảm bảo chất lượng, bạn nên chọn mua nấm tại hệ thống các cửa hàng rau sạch uy tín. Nên chú ý mua những sản phẩm có tem mác và ngày thu hái rõ ràng trên bao bì sản phẩm. Hạn chế mua các sản phẩm nấm không rõ nguồn gốc và nhìn không còn tươi mới.

Next Post Previous Post