Những Món Ăn Truyền Thống Ngày Tết Đang Dần Bị Lãng Quên
Trong cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận, bánh gừng là loại bánh truyền thống độc đáo và không thể thiếu trong các dịp lễ hội đặc biệt là tết.
Bánh gừng lúc nào cũng được đặt lên trên hết cùng với bánh tét và bánh gang tay. Bánh tét (dương) tượng trưng cho người chồng. Bánh gang tay (âm) tượng trưng cho người vợ. Bánh gừng (âm dương) hòa hợp, tượng trưng cho sự thủy chung của vợ chồng.
Nhìn chiếc bánh thật đơn giản nhưng chẳng dễ để có thể làm ra nó. Chiếc bánh được làm từ bột nếp lọc trộn với trứng vịt. Từ bàn tay khéo léo của các dì, mẹ, bà mà chiếc bánh có nhiều hình dạng, hoa văn khác nhau hoặc sẽ nặn thành hình những củ gừng lớn.
Khi chiên bánh phải chiên từ dầu nguội nếu không bánh sẽ bị nứt. Cuối cùng là khoác áo cho bánh một lớp đường nấu chảy có nước gừng giã nhuyễn.
Những chiếc gừng ngày nay không bày bán và cũng hiếm khi xuất hiện trên mâm cúng lễ tết của người Chăm.
Dưa hànhNgày xưa tổ tiên đã có câu: "Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Dưa hành là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết, bên cạnh bánh chưng, giò, canh măng.
Dưa hành không cần ăn nhiều, chỉ điểm xuyết nhưng nhờ nó mà người thưởng thức thấy ngon miệng trong suốt những ngày tết. Cũng có khi khách đến bất chợt, chủ nhà chẳng kịp dọn gì, chỉ có vài món đơn sơ cùng chiếc bánh chưng xanh, đĩa dưa hành. Lúc này, dưa hành vừa là một thứ gia vị đồng thời là một món ăn chính. Vị chua và mặn của nó lan tỏa vào vị giác khiến thực khách cũng phải gật gù.
Dưa hành là món ăn bình dị, dân dã nhưng vô cùng độc đáo từ công đoạn lên men đến cách thưởng thức, ý nghĩa của cổ truyền mà theo y học nó còn là gia vị giúp người ăn tiêu hóa tốt và thấy ngon miệng hơn sau khi dùng những món giàu chất đạm.
Nhìn đơn giản thế nhưng việc muối dưa hành không phải ai cũng có thể muối được dưa hành ngon. Củ hành muối phải chín, không ủng nước, có màu trắng ngà, giòn không hăng, chua nhưng không gắt. Khi chọn hành để muối người ta thường chọn những củ hành nhỏ, không nên chọn củ hành to sẽ khó muối và khó ăn kèm với những món khác.
Vị chua giòn thơm của dưa hành cùng miếng thịt mỡ béo ngậy đã đủ đánh thức vị giác, đánh thức không khí tết đang về trên khắp mọi miền đất nước. Điều đó đã trở thành thói quen trong văn hóa tét người Việt.
Đôi khi những người đi xa thèm một chút dư âm ngày tết, tìm về cố hương chỉ để được ăn bánh chưng với món dưa hành chua chua, mằn mặn. Chỉ thế đã đủ để cảm nhận hương vị quê nhà. Chỉ thế thôi đã thấy đậm đà tình quê hương, đơn sơ mà bền chặt, gắn bó.
Tuy nhiên, ngày nay dường như món dưa hành truyền thống đã dần bị lãng quên. Thay vào đó là những món ngon, lạ miệng khác. Phải chăng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy sự hiện diện của món ăn này trong mâm cỗ của những gia đình nông thôn, ở làng quê Việt.
Thịt đôngVào dịp tết, nồi thịt nấu đông lại mang sức nặng cảm xúc, tinh thần gắn kết mọi thành viên trong gia đình mỗi khi xuân về. Món thịt nấu đông tuy giản dị nhưng bao năm qua luôn giữ vị trí không thể thiếu trên mâm cơm tết. Nhiều người còn hay nói vui với nhau: thấy thịt nấu đông là thấy tết.
Bất cứ ai chỉ cần nghe hương thơm hấp dẫn, béo ngậy tỏa ra từ nồi thịt kho đặt cùng với chén cơm trắng nóng bốc hơi nghi ngút là thấy tết kề bên.
Ngày xưa trong các món ăn ngày tết, thịt nấu đông là món luôn gợi nhắc nhiều kỷ niệm. Món ăn tuy đơn giản, tưởng dể làm mà làm thì không dễ, nhất là cách chọn thịt, cách ướp gia vị được pha trộn công phu, để món thịt thật đậm đà, đúng vị ngon như mong muốn cần có vài mẹo nhỏ để món thịt mềm.
Giống như bánh gừng, dưa hành, thịt nấu đông đang dần bị lãng quên. Xã hội ngày một phát triển, giới trẻ ngày càng có nhiều lựa chọn hơn về đồ ăn, thức uống, hoặc du nhập từ nước ngoài, hoặc những biến tấu tạo nên những món ăn mới mang đến sự mới lạ.
Tôm chua - Hương vị tết Cố đôĐặc sản nổi tiếng của Huế - tôm chua dân dã và bình dị đến mức bạn có thể thấy nó xuất hiện ở bất cứ khu chợ, nhà dân hay cả phòng trọ của sinh viên xa nhà. Đặc biệt, ngày xưa tôm chua là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của người dân xứ Huế.
Dù là đơn giản, bình dân nhưng để cho ra một sản phẩm tôm chua hoàn hảo, thơm ngon cũng lắm công phu. Những nguyên liệu cần thiết để làm tôm chua như: tôm, gạo nếp, riềng non, rượu trắng, lá ổi, gia vị, nẹp tre và bình đựng tôm chua. Tuy chỉ ăn với cơm, nhưng cảm giác vẫn ngon thòm thèm đến vét sạch nồi cơm này mà chẳng cần phải nấu nướng gì thêm cho vất vả.
Có thể nói, mùi tôm chua nồng nàn, thơm lựng ấy vẫn còn len lỏi trong ký ức của nhiều người. Tuy nhiên, thời gian qua đi, ngày nay nhiều gia đình đã quên đi món đặc sản tết này. Dù mặn mòi, chua cay nhưng đó vẫn là món ngon ông cha để lại. Thời nay, rất khó để thấy sự xuất hiện của món tôm chua trong mâm cúng ngày tết của những gia đình hiện đại.
Canh khổ qua dồn thịtNgày xưa, nếu như trong mâm cỗ của người miền Bắc không bao giờ thiếu canh măng hầm giò heo, thì với người miền Nam không thể thiếu canh khổ qua nhồi thịt. Món ăn này có ý nghĩa xua tan mọi khó khăn, khổ cực của năm cũ, mang lại một niềm vui và lạc quan, may mắn cho năm mới. Đây là món ăn tốt cho sức khỏe và mang hương vị rất riêng.
Khổ qua là loại quả bình dân, dễ dàng kiếm được trong mỗi khu chợ, tuy nhiên, với mâm cỗ ngày tết, loại quả này lại mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Người miền Nam chọn trái khổ qua vì tên đúng của nó là khổ qua, nghĩa là niềm hy vọng về mọi khó khăn, vất vả sẽ qua hết để năm mới suôn sẻ, may mắn. Vị đắng, béo ngậy, ngọt ngọt tạo nên kiểu hương vị không lẫn vào đâu được.
Ngon là thế, ngày trước nhiều người tin chắc rằng, dẫu là món ăn truyền thống nhưng khổ qua hầm không bao giờ "lỗi thời" trong mâm cỗ tết hiện đại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất hiếm gia đình còn đặt món canh này vào mâm cúng tết. Bởi nhiều người nghĩ món này quá bình dân, khó thể hiện lòng thành với tổ tiên.
Giò nạc, giò thủVới người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày tết không thể thiếu được một đĩa giò hoặc chả. Giò thường được thái theo khoanh, bày lên đĩa và trang trí kèm là vài cánh hoa cà rốt. Giò cũng có rất nhiều loại khác nhau.
Có ba loại giò đặc trưng và phổ biến là giò lụa, giò bò và giò xào. Mỗi loại giò đều có một hương vị riêng nhưng điều quan trọng để món giò thực sự hấp dẫn là mùi thơm của lá chuối và vị nước mắm ngon quyện trong miếng giò.
Người xưa quan niệm đây là món ăn "sang" của mâm cúng ngày tết bởi tượng trưng cho mong cầu trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà. Nếu gia đình nào trong mâm cúng có món này được xem là "thượng hạng".
Tuy nhiên, ngày nay có một số người lại sợ vị béo ngậy của món ăn truyền thống này. Họ không còn đặt món ăn này vào mâm cúng. Còn có một số khác lại sợ béo, giảm cân cũng không màng đến giò, chả.
Trần Yến